Tín dụng năm 2020 sẽ phân hóa mạnh, chỉ 8% ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng cao hơn năm ngoái
Theo Vietnam Report, 69% ngân hàng đánh giá triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ thấp hơn một chút so với năm 2019, có 15% ngân hàng cho rằng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng của năm trước và chỉ 8% cho rằng tăng trưởng khả quan và tốt hơn một chút.
Vietnam Report vừa chính thức công bố danh sách Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2020 và nghiên cứu về ngành ngân hàng dưới tác động của Covid-19.
Ngân hàng lo lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng
Theo báo cáo của Vietnam Report, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn ngành phải đối mặt với một số khó khăn nhất định do tác động của đại dịch Covid-19 mặc dù có độ trễ về tác động do đặc thù của ngành. Ba tác động rõ nhất của ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm do tác động của đại dịch có thể kể đến là: thứ nhất lợi nhuận sụt giảm, thứ hai dự báo nợ xấu tăng lên và thứ ba là thu nhập của người lao động trong ngành giảm.
Tuy nhiên trong bối cảnh như vậy, ngành ngân hàng cũng có những điểm sáng đáng lưu ý trong 6 tháng đầu năm 2020. Các ngân hàng đã sớm chủ động trong việc tham gia hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu tác động của đại dịch Covid-19, thông qua các chương trình giảm lãi và phí với các khoản cho vay hiện tại cũng như cơ cấu lại nợ và giãn hoãn nợ cho khách hàng.
Bên cạnh đó, các nhà băng còn đẩy mạnh các dịch vụ về ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các dịch vụ tiêu dùng khác gắn với thương mại điện tử. Phương thức hoạt động của ngân hàng đã thay đổi cho phép giao dịch tại nhà, hướng tới xử lý điện tử và ngân hàng nhà nước cũng cho phép xác thực chữ ký điện tử đồng hành với điều kiện phát triển của ngân hàng.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng năm nay ước khoảng 10%, thấp hơn so với năm trước. Khảo sát của Vietnam Report với các ngân hàng TMCP cũng cho thấy 69% ngân hàng đánh giá triển vọng tăng trưởng năm 2020 sẽ thấp hơn một chút so với năm 2019, có 15% ngân hàng cho rằng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng của năm trước và chỉ 8% cho rằng tăng trưởng khả quan và tốt hơn một chút. Điều này cho thấy, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ có sự phân hóa mạnh.
5 xu hướng “bình thường mới” trong ngành ngân hàng
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động bởi đại dịch COVID-19, tạo ra những thách thức cho ngành ngân hàng, song song với đó là vẫn có nhiều cơ hội. Cơ hội và thách thức sẽ là động lực để các ngân hàng luôn phải sáng tạo, chuyển đổi để thích hợp hơn với điều kiện thị trường mới. Vietnam Report nhận định, có 5 xu hướng “bình thường mới” trong ngành ngân hàng.
Thứ nhất là xu hướng chuẩn hóa và mua lại sáp nhập. Theo yêu cầu của Chính phủ trong Quyết định 986 đến năm 2025, các ngân hàng phải đáp ứng chuẩn Basel II, đồng thời một số ngân hàng có thể tiên phong áp dụng Basel III, cũng như những chuẩn mực về kế toán, kiểm toán quốc tế và quản trị thông tin, quản trị doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Bên cạnh đó, tác động của Hiệp định thương mại EVFTA tới ngành ngân hàng sẽ tạo động lực thúc đẩy các ngân hàng thương mại Việt Nam nhanh chóng đổi mới, chuẩn hóa nghiệp vụ để nâng cao khả năng cạnh tranh với ngân hàng quốc tế. EVFTA cũng tạo ra cơ hội cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng đang thiếu vốn đáp ứng chuẩn Basel II, tạo ra làn sóng M&A mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng. Khi có sự tham gia của các đối tác chiến lược EU, các ngân hàng trong nước sẽ được tiếp cận bộ máy quản trị và công nghệ cũng như các sản phẩm tài chính – ngân hàng hiện đại.
Thứ hai là ngân hàng mở, sẽ mở ra cơ hội cho các ngân hàng phát triển dịch vụ mới và gia tăng giá trị bằng cách trao quyền cho khách hàng của họ nhanh chóng hiểu được tình hình tài chính của họ, khám phá các lựa chọn thay thế và đưa ra quyết định tài chính tốt hơn. Điều này không chỉ nâng cao trải nghiệm ngân hàng tiêu dùng, mà còn tăng sự cạnh tranh trên thị trường, do đó, đã khuyến khích sự hợp tác và đổi mới giữa các ngân hàng và fintechs. Điều này đã thúc đẩy một nền kinh tế giàu API giữa các ngân hàng, đang mở rộng hệ sinh thái của họ và cuối cùng là phát triển hệ sinh thái dịch vụ tài chính nói chung.
Thứ ba là ngân hàng trên đám mây (cloud). Để cạnh tranh trong kỷ nguyên mới của dịch vụ tài chính, tất cả các ngân hàng cần đảm bảo công nghệ của họ phù hợp với chiến lược kinh doanh của họ, đồng thời tiết giảm chi phí, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về đám mây với bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào. Công nghệ đám mây cho phép phát triển nhanh và nhanh, giúp đưa sản phẩm mới ra thị trường nhanh chóng và nắm bắt cơ hội trong thời gian ngắn nhất có thể. Khi tồn tại, ngân hàng đám mây mang lại khả năng mở rộng và độ co giãn cũng như hiệu quả hoạt động và giảm chi phí, mặt bằng và tăng cường tính bảo mật trong lưu trữ và quản lý tài liệu.
Thứ tư là bán chéo sản phẩm tài chính ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh. Xu hướng giao thoa hay bán chéo sản phẩm tài chính ngân hàng tiếp tục mạnh mẽ hơn, như giữa ngân hàng thương mại với ngân hàng đầu tư, giữa ngân hàng với bảo hiểm và cả ngân hàng với lĩnh vực chứng khoán, sẽ tiếp tục chặt chẽ hơn, để tạo ra một hệ sinh thái cho khách hàng hơn, đồng thời giúp cho ngân hàng tăng thêm các khoản thu ngoài lãi.
Thứ năm là xu hướng tăng cường, liên kết hợp tác giữa ngân hàng với công ty công nghệ tài chính (fintech, big tech) và các tổ chức khác nhằm tạo một hệ sinh thái toàn diện và tốt hơn cho khách hàng. Đây vừa là một xu thế, nhưng cũng là cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng. Thách thức đối với các ngân hàng là liên kết với các đối tác này như thế nào, thêm vào đó cần phải có bigdata (cơ sở dữ liệu lớn) ở tầm cỡ quốc gia và với mỗi doanh nghiệp, và cần được Chính phủ cho phép cơ sở dữ liệu đó được chuẩn hóa, chia sẻ lẫn nhau. Ngoài ra, thách thức an ninh thông tin mạng, an ninh khách hàng, an ninh thông tin tài sản khách hàng.